Đất Tây Ninh nói chung bằng phẳng, không có lên đèo xuống dốc nên dù đứng ở đâu trong tỉnh cũng có thể nhìn thấy núi Bà.
Ở hướng Đông như tại An Lộc có thể nhìn thấy rõ hai núi Bà hai bên : núi Bà Đen bên trái và núi Bà Rá bên phải. Nhưng rõ nhất là tại Thuận Lợi, còn lên đến Phú Riềng thì núi Bà Rá to ra mà núi Bà Đen mờ dần.
Hướng Đông Nam , đứng ven hồ Dầu Tiếng hoặc lưng chừng chùa Thái Sơn nhìn sang thì sẽ thấy núi Bà hiện ra trên mặt nước rất lãng mạn, nhất là về chiều. Nhìn kỹ sẽ thấy có một ngọn núi nhỏ thấp hơn bên cạnh. Nhìn từ Suối Đá thì núi Bà giống hệt núi Bà Rá nhìn từ Thác Mơ.
Thị Xã Tây Ninh ở về hướng Tây của Núi Bà , lúc nào cũng thấy dù ở Bến xe , ngã tư Bình Minh , tua Hai, ngã tư Ao Hồ hay ở Toà Thánh.
Từ Kà Tum ( Tân Châu ) nhìn về thì núi Bà có những ba ngọn, và trông giống như một dãy núi cổ , đã bị bào mòn theo thời gian, nên đỉnh tà tà chứ không nhọn như các núi trẻ khác. Đường nhựa chạy rất gần chân núi, từ trên xe có thể thấy những đám lá chuối xanh mướt mọc trên triền núi, và chân núi là những vườn mãng cầu mênh mông nối tiếp nhau không dứt.
Từ Memot ( Kompong Cham ) nhìn về thì núi Bà cũng rất gần và đẹp, bởi vì địa hình và độ cao hai tỉnh Tây Ninh và Kompong Cham như nhau. Nhìn núi Bà để đỡ nhớ quê hương. Xin nói thêm : Chợ Memot là chợ huyện , giống như chợ Phú Riềng , Bù Nho , Bù Na nhưng nhỏ hơn Trảng Bàng Gò Dầu. Ở đó cũng có tiệm nước của người Tàu bán cà phê kho , bánh bao xíu mại , hủ tíu mì như bên Việt Nam, thiệt đúng là ở đâu có chợ thì ở đó có người Tàu. Ăn xong , kêu tính tiền thì nói “Tính tiền” ( Việt ) , hay “Kiết lúi” ( Miên ) hay “tẩy xu” ( Tàu ) đều được. Xài ba thứ tiền : tiền đồng Việt Nam , tiền đô và tiền ria ( riel ).
Chạy trời không khỏi nắng.
Chạy đâu cho khỏi (núi) Bà.