Nông Lâm Mục hành khúc và tác giả

Chuyên mục: Trang Tư Liệu Nông Lâm Súc Được đăng: Thứ hai, 07 Tháng 1 2013 Viết bởi Bùi Thị Lợi

NÔNG LÂM MỤC HÀNH KHÚC VÀ TÁC GIẢ

Bùi Thị Lợi

Đoàn sinh viên Nông Lâm Mục chúng ta.

Mau tiến lên xây đắp nước non nhà…

 

Lời ca hào hùng đó đã lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ sinh viên, học viên từ thời trường với tên Quốc Gia Nông Lâm Mục BLao, những năm đầu mới thành lập, cho đến khi trường được chuyển sang hệ trung học với tên Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Bài hát nầy đã trở nên bài ca truyền thống trong những buổi lễ chào cờ mỗi sáng Thứ Hai được hát lên sau bài Quốc Ca.

Cho đến bây giờ, trong các buổi họp mặt Tân Niên của Hội Cựu Học Viên Nông Lâm Súc Bảo Lộc, được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 hàng năm tại Saigon, vẫn khai mạc với bài hát này. Và cả ở các kỳ Đại Hội Nông Lâm Súc tại California, cũng nghe tiếng các anh chị đồng hát vang “Nông Lâm Mục cùng nhau cố đắp xây ngày mai.

Một bài hát, đã tồn tại gần 60 năm trong mọi sinh hoạt tập thể của đại gia đình Nông Lâm Súc, vậy mà ít ai biết tác giả đó là ai!

Bài hát không có ấn phẩm, không giữ bản quyền. Từ xưa đến giờ chỉ lưu hành trong nội bộ, bằng những bản chép tay hoặc photocopy.

Với tựa đề “NÔNG LÂM MỤC HÀNH KHÚC”

Tên tác giả được ghi “Nhạc: QUANG THANH – CAO YÊN TUẤN”

“Lời: QUANG THANH – LÂM – HỒNG – TRÁC”

Từ lúc còn kết hợp sinh hoạt chung cả Nông Lâm Mục và Nông Lâm Súc, tôi đã từng được nghe anh Phan Ngọc Châu khóa 1 NLM, giới thiệu tác giả bài hát là một nhóm 5 anh cùng học khóa 1 NLM, cụ thể như sau:

-  Quang Thanh là bút danh của anh Huỳnh Quang Hải học Ban Mục Súc

-  Cao Yên Tuấn tên thật là Trần Tuấn Kiệt học Ban Canh Nông

-  Lâm là viết tắt tên anh Nguyễn Ngọc Lâm học Ban Mục Súc

-  Hồng là tên anh Lê Quang Hồng học Ban Mục Súc

-  Trác là tên anh Nguyễn Ngọc Trác học Ban Canh Nông

 

        Nguyễn Ngọc Lâm                     Nguyễn Ngọc Trác                          Trần Tuấn Kiệt

Trong một lần về thăm quê hương, anh Trần Tuấn Kiệt được anh Phan Ngọc Châu đưa về thăm lại mái trường xưa. Tôi cũng được hân hạnh quen với anh Kiệt lần ấy, và khi được biết anh là một trong những người sáng tác ra bài hát, tôi cũng có hỏi thăm và được biết vài chi tiết thú vị. Nhưng lúc đó, nghe xong rồi, tôi cũng chỉ ghi lại trong trí nhớ mà thôi.

Anh Nguyễn Ngọc Trác thì tôi được gặp thường xuyên trong các kỳ họp mặt NLS. Tính anh Trác rất hiền, ít nói. Anh Lê Quang Hồng thì đã mất trước năm 2000. Tôi nhớ có một lần chị Trần Cao Huân, vợ của anh Hồng, có đến tham dự họp mặt ngày 1 tháng 1 để ngỏ lời cảm ơn Thầy, Cô, và bạn bè NLS đã đến viếng, cùng tiễn đưa anh Hồng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Anh Huỳnh Quang Hải thì mất trước năm 75, chúng tôi cũng có lần dự đám giỗ của anh tại nhà anh ở Gò Vấp. Anh Nguyễn Ngọc Lâm thì trước năm 75 cùng làm việc với tôi ở Viện Quốc Gia Vi Trùng Học, nhưng lúc ấy tôi không biết anh là người đồng sáng tác bài hát. Sau nầy, đến năm 2007, tôi có dịp  ghé thăm anh ở Chicago.

Thú thật tôi rất ngưỡng mộ các anh và thầm hãnh diện rằng, mình là một đàn em có duyên được quen biết với các tác giả của bài hát duy nhất mà tôi thuộc sau bài Quốc Ca.

Một ngày đầu tháng 12 năm 2012. Anh Phan Ngọc Châu tổ chức buổi tiệc mừng đón anh chị Trần Tuấn Kiệt, một lần nữa về thăm quê hương và bạn bè. Tôi cũng được mời tham dự và do đó được gặp lại anh Kiệt và anh Trác trong buổi tiệc. Nghe các anh nhắc nhớ nhiều về những kỷ niệm thời xa xưa với các bạn đồng môn, trong đó có các anh cùng sáng tác bài hát “NLM Hành Khúc”.

Bây giờ kẻ còn người mất, tôi chợt nghĩ đến việc ghi chép lại câu chuyện nầy để giới thiệu với các bạn những người đàn anh tài hoa, đã tặng cho chúng ta một bài hát để đời.

Tôi hỏi anh Kiệt nguyên nhân từ đâu mà các anh có cảm hứng sáng tác ra bài hát. Anh Kiệt vui vẻ kể:

“ Năm 1955, năm học đầu tiên của khóa 1 NLM, trường tổ chức buổi văn nghệ chào đón quí vị quan khách tham dự lễ cắt băng khánh thành trường, có Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chủ tọa. (bấy giờ chưa là Tồng Thống)

Sau khi tham gia trình diễn các tiết mục văn nghệ xong, trên đường đi trở về lưu xá, anh Trần Tuấn Kiệt và anh Huỳnh Quang Hải cùng ôm đàn ghi ta hát nghêu ngao. Bất chợt anh Kiệt nêu ý kiến rủ anh Hải cùng viết một bản nhạc riêng cho trường. Anh Hải đồng ý, thế là những nốt nhạc đầu tiên được cất lên ..Do..Re..Mi.

Từ chỗ sân khấu trình diễn (lúc đó chưa xây Đại Thính Đường) về đến lưu xá, là căn nhà sàn gỗ nơi các anh đang ở, thì bản nhạc đã được viết tạm xong. Hai anh thích thú với thành quả sáng tạo âm nhạc của mình nên cứ đàn ầm lên. Bấy giờ, 3 anh, Lâm, Hồng, Trác, ở cùng phòng đến ngồi nghe, và rồi mỗi anh góp một lời ca, và cứ thế, bài hát Nông Lâm Mục Hành Khúc ra đời.  Mới đầu chỉ là một bài hát chơi cho vui, dần dần, phổ biến rộng ra thành bài ca chính thức của trường.”

Hồi đó, các anh mới chỉ là những cậu học trò tuổi đôi mươi, tập tành làm văn nghệ. Vậy mà ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước đã được thể hiện qua lời ca, “Đồng miền Nam mênh mông, dãy núi Trung bao la với cây rừng miền Bắc chờ mong chúng ta.”

Nghe anh Nguyễn Tấn Phúc khóa 2 NLM, kể lại rằng trong lời phát biểu của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lúc chủ tọa lễ khánh thành trường, mà sau nầy báo chí thời đó còn đăng tin, nguyên văn như sau, “Khi tôi cắt băng khánh thành cho trường Quốc Gia NLM Blao thì ở ngoài Hà Nội, ông Hồ Chí Minh cũng cho khai giảng một trường Quốc Gia Nông Nghiệp. Tôi mong các anh các chị hãy cố gắng học tập, để sau nầy khi thống nhất đất nước, thì miền Nam không thua kém miền Bắc về phát triển nông nghiệp.”

Được biết các anh Kiệt, Lâm, Trác, đều làm thơ rất hay. Riêng anh Kiệt đã có nhiều bài thơ đăng báo với bút hiệu Cao Yên Tuấn. Sau khi tốt nghiệp, anh Kiệt trở thành cán bộ kỹ thuật chương trình Dinh Điền, rồi chuyển qua bộ Xây Dựng Nông Thôn. Có lúc anh làm Tùy Viên Quân Sự cho Tổng Trưởng Canh Nông. Năm 75 anh đi học tập cải tạo, rồi về làm công tác thủy lợi một thời gian trước khi đi định cư ở Texas.

Anh Huỳnh Quang Hải thì kém may mắn hơn, học xong, anh đi lính Quân Y cấp bậc Đại Úy, và tử trận trước năm 75.

Anh Lê Quang Hồng thì được chuyển về làm quyền Hiệu Trưởng trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, đến sau 75 thì nghĩ hưu, và anh bị bệnh qua đời vào năm 2000.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm đi du học ở Mỹ, về công tác tại Viện Quốc Gia Vi Trùng Học và Bệnh Lý Gia Súc. Sau năm 75 anh cũng đi định cư ở Chicago.

Anh Nguyễn Ngọc Trác ra trường, nhận nhiệm sở đầu tiên ở Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp Miền Nam, rồi chuyển về Bến Tre làm Trưởng Trung Tâm Khảo Cứu Nông Nghiệp. Được ít lâu chuyển lên Đà Lạt làm Giám Đốc Trung Tâm Rau Hoa. Sau đó bị động viên đi lính ngành Quân Y. Sau năm 75 cũng đi học tập cải tạo, rồi về nghỉ hưu tại Saigon cho đến bây giờ.

Mỗi anh có một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng lúc nào cũng nhớ mình cùng chung một mái trường. Mỗi khi có dịp được hội ngộ, các anh đều không ngăn được nỗi niềm thương cảm mà anh Phan Ngọc Châu gọi đùa là “Nỗi Buồn Bô Lão”.

Hôm nay ngày 12 tháng 12 năm 2012, anh Phạm Công Sang Khóa 4 NLM, tổ chức một bưổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập trường (ngày 12 tháng 12 năm 1955). Các anh chị đang dự định thực hiện một quyển kỷ yếu, chuẩn bị cho buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường vào năm 2015.

Chắc chắn sẽ không thể thiếu bài ca “Nông Lâm Mục Hành Khúc” được in lại trang trọng trên trang bìa. Chúc dự định của các anh sẽ được thực hiện thành công tốt đẹp. Chúc bài hát được mãi vang lên rộn rã trong các buổi họp mặt sắp tới.

Và sau hết là chúc “Tình Đoàn Kết Nông Lâm ‘Mục Súc’” Bất Diệt.

Sài Gòn, những ngày cuối năm 2012

Bùi Thị Lợi web nls baoloc

 
Lượt xem: 4375

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com