Ca khúc cách mạng: những bản hùng ca một thời kiêu hãnh

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ tư, 01 Tháng 5 2024 Viết bởi Ban điều hành

Ca khúc cách mạng: những bản hùng ca một thời kiêu hãnh

NS NGUYỄN QUỐC ĐÔNG Ca khúc cách mạng hình thành và phát triển từ khi có phong trào yêu nước do Đảng lãnh đạo. Trên văn bản “khai sinh,” ca khúc cách mạng được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ 20, với bài “Cùng nhau đi hồng binh” của tác giả Đinh Nhu. Từng bước đi của ca khúc cách mạng là sự phản ánh trung thực những thành tựu của lịch sử cách mạng Việt Nam.

 Giai đoạn 1930-1946 là giai đoạn đầu tiên của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam. Ca khúc cách mạng thời kỳ này mang dấu ấn của nền âm nhạc cổ truyền dân tộc, dòng ca khúc hướng về lịch sử.

 Ca khúc cách mạng đã thể hiện đúng bản chất văn hóa hai chiều của con người Việt Nam: một chiều tiếp nhận từ văn hóa truyền thống, một chiều tiếp nhận từ văn hóa âm nhạc nước ngoài.

Cùng nhau đi Hồng binh. Đồng tâm ta đều bước. Đừng cho quân thù thoát. Ta quyết chí hy sinh. Nào anh em nghèo đâu. Liều thân cho đời sống. Mong thế giới đại đồng. Tiến lên quân Hồng.

. Đinh Nhu (1910 – 1945) là một nhạc sĩ người Việt Nam, tác giả bài Cùng nhau đi Hồng binh, nhạc phẩm được coi là bài hát đầu tiên của tân nhạc cách mạng Việt Nam

 Đinh Nhu sinh năm 1910 trong một gia đình nghèo sống bằng nghề bán hoa. Từ khi còn là học sinh tiểu học, trung học ở Hải Phòng, Đinh Nhu đã say mê sân khấu, âm nhạc. Vì hoàn cảnh gia đình nên ông phải xin thôi học và bắt đầu hoạt động cách mạng. Năm 1927 Đinh Nhu tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đến cuối 1929 ông bị Pháp bắt và giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó bị kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Thời gian ở trong tù ông dạy hát cho các tù nhân khác và bài Cùng nhau đi Hồng binh ra đời thời kỳ đó, năm 1930. Bài hát này lấy cảm hứng từ những cuộc đấu tranh chống Pháp sôi nổi những năm 1930, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

 Cùng nhau đi Hồng binh còn được một số nhà nghiên cứu coi là bài hát đầu tiên của tân nhạc Việt Nam (nếu không tính bài Dạ cổ hoài lang còn mang âm hưởng ngũ cung của nhạc cổ, sáng tác trước đó). Theo Trần Quang Hải, Đinh Nhu viết Cùng nhau đi Hồng binh trong tù vào năm 1930 để kêu gọi dân chúng nổi lên chống Pháp, dựa trên thang âm ngũ cung (Do, Re, Fa, Sol, La, Do)[cần dẫn nguồn]. Trước đó, Đinh Nhu có đặt lời Việt cho một vài ca khúc nước ngoài như La Marseillaise (Bài ca kêu gọi vô sản làm cách mạng) và La Madelon.

 Nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp đêm 9 tháng 3 năm 1945, những tù nhân trong nhà tù Nghĩa Lộ nổi dậy nhưng bị đàn áp. Một số chết, Đinh Nhu cùng Nguyễn Văn Bẩy, Vi Phùng... bị đem ra xử bắn. Theo một nguồn khác, Đinh Nhu bị bắn chết khi bạo động xảy ra giữa tù nhân và lính gác trong cuộc nổi dậy. Tên của Đinh Nhu được đặt cho một đường phố ở Hải Phòng.

Trong giai đoạn lịch sử này, những biến cố của lịch sử-xã hội đất nước luôn là động lực thúc đẩy các nhạc sỹ viết nên những ca khúc cách mạng như: “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu); “Không khuất phục,” “Cờ Việt Minh” (Vương Gia Khương), “Quảng Châu công xã,” “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phátxít” (Nguyễn Đình Thi)... Đây là những ca khúc không những phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ, mà còn khẳng định dấu son trên đường phát triển của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

 

Hình tượng người chiến sỹ cách mạng Việt Nam được phản ánh rõ nét nhất trong các ca khúc cách mạng giai đoạn này. Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Qua những hình tượng ấy, có thể thấy cách thức lựa chọn thể hành khúc của những người cộng sản là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì, hành khúc là phương tiện nghệ thuật hữu hiệu nhất để tuyên truyền cổ động cho cách mạng. Do đó, thể hành khúc chiếm vị trí chủ đạo trong dòng ca khúc cách mạng Việt NDi sản âm nhạc đồ sộ của giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là thời gian định hình những bài hát được gọi bằng tân nhạc, mới ra đời trong trào lưu âm nhạc cải cách chưa đầy một thập niên trước đó. Nhạc phẩm Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ lâu đã trở thành tượng đài bằng âm thanh, một bản hùng ca bất hủ. Giải phóng Điện Biên được chọn làm nhạc hiệu chính thức hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mùa xuân 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia "Chiến dịch Trần Đình" (mật danh của chiến dịch Biện Biên Phủ). Chiến dịch rất quyết liệt, kéo dài nên không được phép tập trung đông người để xem biểu diễn. Đoàn phải phân tán thành từng tốp từ 3 đến 5 diễn viên xuống tận chiến hào, vào từng hầm cấp cứu thương binh để biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công. Không chỉ là nghệ sĩ, mỗi ca sĩ, nhạc công... đều là chiến sĩ thực thụ. Từ Trưởng đoàn đến diễn viên đều tham gia làm đường, tải đạn, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu với tinh thần "Tất cả để chiến thắng".

 Cuộc chiến kéo dài tới ngày thứ 50. Sáng hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng anh chị em văn công đang san lấp hố bom dọc đường, gặp một cán bộ tuyên huấn mặt trận tìm đến. Với giọng nói đầy lạc quan, anh nói với nhạc sĩ Đỗ Nhuận như để mọi người cùng nghe: "Thắng đến nơi rồi. Đỗ Nhuận phải sáng tác một ca khúc mừng chiến thắng, kẻo không đuổi kịp cánh lính bộ binh xung kích đó...".Đêm hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ôm cây đàn ghi-ta bập bùng tìm giai điệu, tiết tấu và ca từ và rồi bỗng nhiên anh nẩy ra ca từ: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...". Và, từ ấy hình ảnh và cảnh quan Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên trong ca từ của Đỗ Nhuận: "Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé giữa đồng nắm tay xoè hoa" (vũ điệu dân gian của đồng bào Thái)...

Ngay từ ngày đầu tiên bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho được vang lên trên chiến trường Điện Biên anh dũng cho đến nay bài hát vẫn khảng định sức sống mạnh mẽ. Đặc biệt, trong mỗi buổi sáng những giai điệu hào sảng đó lại được vang lên trong lễ Chào cờ tại Quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác Hồ.

Hôm đó, tôi đến đồi A1, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi gây cảm xúc mạnh mẽ đó là hai mộ liệt sĩ vô danh và chiếc xe tăng gục nòng nằm đó. Mặc dù sau chiến thắng Điện Biên Phủ 4 năm, đó là thời hòa bình nhưng ở đó hơi thở của chiến tranh vẫn còn nặng nề bởi hàng ngày vẫn có tiếng mìn nổ. Ngay cả đường đi đến trường của các cháu học sinh mặc dù đã được dọn sạch nhưng các cháu hiếu động trèo lên cây khị xuống vấp phải mìn nên vẫn có thương vong. Thế rồi bà con khi dắt trâu bò đi sản xuất thì trâu bò cũng vấp mìn, khói súng chiến tranh vẫn đậm nét.

 Bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” tôi viết năm 1958, ngay trên đỉnh đồi A1 Điện Biên Phủ. Thời gian đó, Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị trở lại chiến trường xưa để phục vụ bà con và các chiến sĩ. Tôi được giao nhiệm vụ đi tiền trạm để phục vụ cho cuộc biểu diễn đồng thời sáng tác kịp thời tác phẩm mới cho Đoàn.

Từ đó, tôi mới viết nên đoạn đầu: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa. Tổ quốc bao la hiền hòa tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ…” chính là tinh thần phơi phới của lớp trẻ măng đó trong đội ngũ sáng sáng ra thao trường.

Hình ảnh đội ngũ già, trẻ theo bước chân nhau ra thao trường với hai thế hệ đã gây xúc động mạnh mẽ trong tôi giúp tôi khắc họa một cách khái quát nhất hình tượng nghệ thuật trong bài hát này. Đó chính là tư tưởng chính trị, là truyền thống nhân văn với thông điệp sâu sắc là “hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp bước nhau đi dưới lá quân kỳ” .

 Riêng với âm nhạc, những thập niên đầu TK XX, khi văn hóa âm nhạc phương Tây ồ ạt vào nước ta bằng nhiều con đường, ngã ngách khác nhau, Văn Cao đã tiếp thu tính khoa học trong cấu trúc của âm nhạc phương Tây để cho ra đời ca khúc đầu tay Buồn tàn thu, lúc ông 16 tuổi. Đây là dấu ấn quan trọng, là động lực để ông bước vào con đường sáng tạo âm nhạc. Sau Buồn tàn thu là Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, đã đưa Văn Cao trở thành một trong nhạc sĩ tên tuổi, có tính tiên phong, khai mở cho dòng ca khúc trữ tình lãng mạn của âm nhạc Việt Nam đầu TK XX.

 Văn Cao cũng ghi dấu ấn với ca khúc Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc. Do tác động của lịch sử và được giác ngộ cách mạng, nhân sinh quan và thế giới quan của Văn Cao đã thay đổi, từ lãng tử mơ màng, ông đã nhìn nhận và đi vào cuộc sống hiện thực kháng chiến của nhân dân. Chính vì lẽ đó, với tài năng sẵn có, Văn Cao đã trở thành nhạc sĩ có tên tuổi trong dòng ca khúc cách mạng. Do những yếu tố khách quan tác động, số lượng ca khúc của Văn Cao không nhiều như một số nhạc sĩ khác, nhưng hầu như gắn chặt với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên, đặc biệt, có ca khúc đã làm nên một thể loại độc đáo trong nền thanh nhạc mới Việt Nam, đó là trường ca. Từ đó ca khúc Sông Lô được gắn liền với tên của thể loại trường ca, nên có tên là Trường ca Sông Lô.

Nếu ví chùm nhạc sông Lô như một bông hoa đẹp, rực rỡ nhiều màu sắc, ngọt ngào hương vị của hiện thực chiến tranh cách mạng, thì Trường ca Sông Lô của Văn Cao là đài hoa của những cánh hoa, là đường nét quy tụ của những môtíp hoa văn trên một bức thảm len đẹp. Trường ca Sông Lô tựa như bức tranh liên hoàn giàu chất thơ

Không phải ngẫu nhiên khi tiếp cận với Trường ca Sông Lô, nhạc sĩ Phạm Duy (người bạn thân thiết của Văn Cao), đã nhận xét: “Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại… Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc...

nhạc sĩ Văn Cao Là một văn nghệ sĩ đa tài - văn thơ, nhạc, họa - ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại dấu ấn mang tính khai mở, có giá trị về nghệ thuật.

 

"Tiến về Hà Nội" là một sáng tác nổi bật của nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát là lời reo vui của ngày quân giải phóng Việt Nam từ năm cửa ô tiến về tiếp quản Thủ đô. Được sáng tác vào năm 1949, "Tiến về Hà Nội" được xem là ca khúc "kì lạ" nhất viết về ngày này, tức là ra đời trước 5 năm khi sự kiện diễn ra. Với lời ca hào hùng, khí thế và sôi nổi, ngày nay, bài hát vẫn thường vang lên, nhất là trong những dịp kỷ niệm ngày mùng 10 tháng 10, cũng như trở thành một "khúc ca khải hoàn" của người Hà Nội.

Cuối năm 1948, nhạc sĩ Văn Cao cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Vì lúc đó đang là "thời kì cầm cự", chiến tranh có thể kéo dài nên ông cùng gia đình đi bộ về đến chợ Đại ở huyện Ứng Hòa, Sơn Tây, hành trình ấy mất gần một tháng. Đây từng được xem là "thủ phủ" của các văn nghệ sĩ trong thời kì chống Pháp

Khoảng giữa năm 1949, các văn nghệ sĩ trong đó có nhạc sĩ Văn Cao tham dự một buổi họp tại vùng căn cứ địa Việt Bắc. Họ được giao nhiệm vụ "nhanh chóng viết những ca khúc động viên bộ đội và nhân dân chiến đấu". Văn Cao lúc đó đã hứa hẹn với người lãnh đạo sẽ viết một ca khúc về Hà Nội: "Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội".Chỉ trong hai tuần lễ, nhạc sĩ đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội", khi ấy đang là mùa xuân, tức ra đời trước 5 năm trước khi Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản Hà Nội . Bài hát sau đó được Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó, cho in lên tờ báo Thủ đô. Ngoài ra, trong thời gian này, nhạc sĩ còn sáng tác bài "Tổng phản công" nhưng do ca khúc "Tiến về Hà Nội" tạo tiếng vang lớn nên bài hát ít được nhắc tới.

Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nêu lên mục đích là động viên nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hòa bình trung lập và dân chủ, từng bước sau này thực hiện thống nhất đất nước.

Nhằm hoàn chỉnh sự ra đời của mặt trận, ba chúng tôi gồm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước là 3 thành viên chủ chốt của nhóm Hoàng Mai Lưu được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN.

 Tôi có gần gũi đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, và biết được ý kiến là phải tuyệt đối giữ bí mật việc sáng tác này; về nội dung cần thể hiện những điểm sau:

 – Bài hát có tính chất Quốc ca (sách lược) này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung bộ và Nam bộ.

 – Kêu gọi nhân dân Nam Trung bộ và Nam bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ.

 – Nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước Việt Nam.

 – Tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 Do các yêu cầu chặt chẽ trên về mặt chính trị nên 3 chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý, để sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, chúng tôi đã đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu: “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”.

 Muốn thực hiện được chiến lược này phải đoàn kết nhân dân Trung Nam Bắc lại để diệt đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha cho ngụy quyền chứ không tiêu diệt, nên chúng tôi đã đưa vào bài hát câu:

 Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước

Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”

 Để minh họa cho đường lối đoàn kết dân tộc Nam Trung Bắc, chúng tôi đã nêu lên 2 địa danh tiêu biểu của hai miền là Cửu Long và Trường Sơn, vì thế trong bài có câu:

 “Đây Cửu Long hùng tráng

Đây Trường Sơn vinh quang”

 Để thể hiện ý chí thống nhất đất nước của toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong bài hát có câu:

 “Vai sánh vai chung một bóng cờ”

 

Điệp khúc của bài hát là kết luận toàn bộ sách lược mới của Đảng và phản ánh sự tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng bằng câu:

 

“Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi

Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

(Lưu Hữu Phước rất sở trường sáng tác thể loại chính ca với hàng loạt bài đã ra đời trở nên nổi tiếng trước đó như “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”, đặc biệt là bài “Tiếng gọi thanh niên” - chính quyền của Bảo Đại rồi sau đó là Ngô Đình Diệm lấy làm quốc ca cho chính thể của họ) và đỉnh cao là “Giải phóng miền Nam” vừa nói.

Là người Việt Nam, có lẽ không ai không biết bài hát “Tiến về Sài Gòn” của Huỳnh Minh Siêng - một bút danh khác của nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước gắn với những ca khúc cách mạng được ra đời trước ngày giải phóng miền Nam.

Đến năm 1966, phong trào chống Mỹ cứu nước ở khắp hai miền Nam, Bắc mỗi lúc mỗi phát triển mạnh hơn, càng thôi thúc Lưu Hữu Phước. Ông cho biết, mặc dù đã gặt hái được những thành công trong quá khứ ở thể chính ca nhưng vẫn “bí” bởi muốn đạt được hiệu quả cao nhất và phải thoát ra được cái bóng của chính mình. Rất nhiều chủ đề âm nhạc được hình thành nhưng không thể phát triển tiếp. Có bài ông đã viết được hết đoạn A nhưng hát đi hát lại thấy chưa ưng ý, đã bỏ đi không thương tiếc.

 

Sau phải đến mấy tháng tìm tòi ý tứ, khai thác chất liệu âm nhạc, lựa chọn khúc thức rồi sửa chữa, tu chỉnh, cuối cùng “Tiến về Sài Gòn” ra đời. Sợ mình chủ quan, ông hát cho nhiều anh em trong cơ quan nghe để xin ý kiến của họ. Tất thảy đều tán thưởng, nhanh thuộc và say sưa hát, ông mới “chốt” bài hát và yên tâm về đứa con tinh thần mới của mình với hy vọng sẽ có sức sống tốt.

Chính vì tác giả viết “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây” và nhắc lại như là một điệp khúc mà nhiều người cho rằng bài hát được ra đời trong dịp tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Nhưng sự thực không phải vậy. Hồi còn sống, có lần Lưu Hữu Phước kể: Ngay sau ngày ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (20/12/1960), ông đã nghĩ tới trong một ngày không xa, cuộc cách mạng giải phóng miền Nam sẽ thắng lợi, Sài Gòn sẽ được giải phóng nên đã thai nghén bài hát về sự kiện này. Nhưng vì bận rộn quá nhiều công việc nên mãi tới năm 1966 khi phong trào cách mạng phát triển mạnh, nhân dân nổi dậy chống lại chính quyền Ngụy ở khắp mọi nơi, ông thấy không thể trù trừ việc sáng tác. Và trong năm này, ông đã hoàn thành.

Một năm sau -1967 - trong lần ra Bắc công tác, Lưu Hữu Phước trao bài hát cho Quang Hưng, là ca sỹ của Đoàn Văn công Quân giải phóng và đang chuẩn bị cùng một đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn ở 8 nước XHCN. Với giọng hát Nam Bộ, lại không phải là ca sỹ, Lưu Hữu Phước hát qua cho ca sỹ nghe. Quang Hưng nghe một lần đã “cảm” bài hát và tỏ ra rất vui khi được nhạc sỹ tin tưởng trao gửi tác phẩm nơi mình.

Và đến mùa xuân năm 1975 lại trao cho nhóm có nhiệm vụ đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn như lần trước. Lần này thì chúng ta đã thắng lợi trọn vẹn. Suốt buổi sáng ngày 30/4/1975, Đài Sài Gòn vẫn ra rả phát các bài hát tiền chiến nỉ non như Đêm đông, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu… Bỗng đến trưa, các bài hát kia tắt ngấm. Một lúc sau, thay thế là những âm điệu cực kỳ hào hùng, rộn rã, náo nức: “Ta về quê khi ánh bình minh đang hé rạng chân trời. Ta về quê khi lũ ngoại xâm hấp hối tơi bời. Trên đường quê nghe tiếng mẹ ta đang khắc khoải mong chờ. Nào vượt lên mau bước đoàn quân giải phóng thành đô…” Những câu: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù” cứ lặp lại nhiều lần, dội vào người nghe cảm giác vô cùng phấn khích. Sau đó là lời đầu hàng cách mạng vô điều kiện của viên đại tướng Dương Văn Minh – Tổng thống chính quyền Ngụy.

Bài hát Bác đang cùng chúng cháu hành quân thể hiện niềm tin và quyết tâm của người chiến sĩ quyết biến đau thương thành sức mạnh trên đường đi chiến đấu thông qua giai điệu, tiết tấu, lời ca của một hành khúc hùng tráng. Sau khi đất nước thống nhất, Huy Thục vẫn tiếp tục sáng tác.

Ngày 3/9/1969, một tấm khăn tang lớn nhất trong lịch sử dân tộc đã choàng lên tất thảy mọi người Việt Nam. Ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta. Nhớ lại những ngày “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” đó, thơ và nhạc đã cùng tấu lên những âm hưởng rất buồn để tưởng niệm vị lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu.

Qua đi cơn sốc lớn, lòng người Việt lắng lại và đã biến niềm tiếc thương vô hạn thành hành động, thành việc thực hiện bằng được lời di chúc của Bác mà nội dung lớn lao bao trùm nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà. Mỗi tầng lớp nhân dân đều thấm thía lời dặn cuả Người để có những việc làm thiết thực ở cương vị, hoàn cảnh của mình.

Là một nhạc sĩ quân đội, Huy Thục xác định vị trí người lính của mình trong đội ngũ cách mạng. Và người lính tức là luôn đồng nghĩa với cầm súng, hành quân. Đội ngũ những người lính cách mạng ngày càng hùng hậu đặc biệt là ở những ngày cuối cùng của thập kỷ 60 thế kỷ trước đã rất trùng điệp.

 

Và đội ngũ ấy sẽ ngày càng được nhân sức mạnh gấp bội, sẽ nhấn chìm bất cứ kẻ thù nào nếu mỗi chiến sĩ đều hình dung có Bác trong hàng quân, cùng nhịp bước băng lên phía trước. Đó chính là tứ, là chủ đề mà Huy Thục đã nảy ra. Ông nhanh chóng hình thành những nét nhạc đầu tiên không mấy khó khăn: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường cuả Bác. Nở ngàn hoa chiến công dâng lên Người, dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời…”

 

Việc tác giả nhắc lại: “Năm xưa Bác cùng đàn con đi chiến dịch, núi rừng vẫn nhớ suối vẫn trong in hình bóng Bác. Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ. Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào…” đã làm sáng tỏ, đã giải thích được vì sao người ta gọi các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt nam là Bộ đội Cụ Hồ, bởi Người là linh hồn cuả quân đội và quân đội chiến đấu theo lý tưởng độc lập tự do yêu nước thương nòi cuả Người.

Đêm Trường Sơn nhớ Bác là sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung. Cho đến tận ngày hôm nay, những giai điệu đó vẫn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng. Có thể nói rằng, chủ đề về người lính cụ Hồ, về người cha già dân tộc đáng kính luôn được những người nhạc sĩ nhân dân khai thác hết sức tỉ mỉ, tạo nên những âm điệu hào hùng đi cùng năm tháng. Ca khúc đêm Trường Sơn nhớ Bác vẫn còn đó, trở thành một trong những bài hát hay nhất trong chùm ca khúc cách mạng, vẫn vang vọng mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ về sau. Hình bóng Bác vẫn ấm áp, đôn hậu như thuở nào, vẫn luôn dõi theo non sông gấm vóc..

Đêm Trường Sơn

Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây

 Cảnh về khuya như vẽ…

 Bâng khuâng chúng cháu nghĩ

 Bác như đã đến nơi này.

 Những câu cuối cùng “Con đường của Bác mới đi qua” được đẩy lên nốt cao nhất. Đó chính là niềm tin mãnh liệt, về hình bóng Bác thực sự ở đây, như tiếng reo vang, tiếng tuyên thệ hùng hồn của người lính. Nhìn chung, nghệ thuật xử lý âm nhạc quyện lời ca của nhạc sĩ Trần Chung thực sự tuyệt vời, hàm xúc và vô cùng ý nghĩa. Nếu như thời chiến, đó là niềm cảm hứng của người lính ra chiến trường. Thì cho tới tận ngày nay, những ca từ này đã cho chúng ta biết rằng ông cha đã chiến đấu, đã đánh đổi, đã mất mát như thế nào để giành lại sự tự tôn, nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu viết bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” trong một đêm rất khuya năm 1972 trên đường Trường Sơn. Bồi hồi nằm trong căn hầm ngột ngạt và không sao ngủ được, không gian ngoài kia vằng vặc ánh trăng chiếu sáng khắp núi rừng tĩnh lặng. Vầng trăng cũng có linh hồn, trong trẻo và đầy yêu thương. Cảnh vật thơ mộng đến mê hoặc lòng người. Hình ảnh Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc và bài thơ Cảnh khuya được Người viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp bất chợt hiện về, xao động tâm tư, Nguyễn Trung Thu lấy lòng bàn tay mình và ghi trên ấy những dòng thơ đầu tiên trào dâng tha thiết, để rồi sáng hôm sau thì thi phẩm hoàn thành một cách nhẹ nhàng ngỡ như phúc lộc trời cho. Nhạc sĩ Trần Chung đọc được trên báo Nhân Dân, ngay lập tức những nốt nhạc đầu tiên ra đời, hân hoan và đậm chất tráng ca từ đó đến giờ.

 

Bài thơ hay và xúc động tâm hồn người đọc trước hết là nhờ ở tình cảm chân thành của người viết. Chúng ta đều biết, năm 1972 khi tác giả viết bài thơ này, Bác Hồ đã qua đời ba năm, cả dân tộc Việt Nam đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng cam go và khốc liệt. Thế nhưng, xuyên suốt toàn bộ thi phẩm, hình ảnh Bác vẫn hiện về sống động qua những vần thơ tức cảnh sinh tình từ núi rừng Pác Bó năm xưa, đồng thời trong hiện tại, Người vẫn như đồng hành cổ vũ toàn quân, toàn dân vững bước tiến lên, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Chính cảm xúc chân thành và tự nhiên ấy, vô hình trung bài thơ lại tạo nên một tứ thơ thật mới mẻ và dễ làm lay động lòng người: Bác mất rồi nhưng ý chí và tình cảm của Người vẫn vẹn nguyên, vẫn cùng chúng cháu hành quân trong cuộc kháng chiến vĩ đại này.

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, âm nhạc lại âm vang khúc ca khải hoàn cùng dân tộc, tiếp tục sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới. Âm nhạc không chỉ có những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới - xã hội chủ nghĩa; âm nhạc cũng có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ và lối sống của công chúng. Âm nhạc lại tiếp tục cuộc xung kích trên mặt trận văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Những bài ca về Bác, Đảng, về những anh hùng; những bài hát cổ động vẫn vọng vang suốt chiều dài năm tháng. Ngày nay, ca khúc cách mạng vẫn khẳng định sức sống trường tồn trong lòng người yêu nhạc.

NS NGUYỄN QUỐC ĐÔNG

Lượt xem: 372

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com