Ca khúc thiếu nhi và những vấn đề bất cập hiện nay

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ sáu, 31 Tháng 5 2024 Viết bởi Ban điều hành

Liên hoan Ca múa nhạc thiếu nhi hè 2023

HỘI THẢO KHOA HỌC “ÂM NHẠC THIẾU NHI Ở TP HỒ CHÍ MINH”

THAM LUẬN

CA KHÚC THIẾU NHI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ BẤT CẬP HIỆN NAY

 

Tác giả: NS NGUYỄN QUỐC ĐÔNG

Hội viên Hội âm nhạc TPHCM – Chi hội 6

Tóm tắt nội dung:

Những vấn đề khó khăn hạn chế trong việc sáng tác quảng bá ca khúc

 thiếu nhi hiện nay

Nội dung bài viết:

 

Âm nhạc cho thiếu nhi rất quan trọng trong đời sống xã hội vì nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, để âm nhạc thiếu nhi phát triển tốt, cần có định hướng đúng đắn cho các hoạt động âm nhạc thiếu nhi, từ việc hoạch định chính sách, đến việc sáng tác, phổ biến, biểu diễn và truyền thông...Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, cần có sự chung tay của toàn xã hội chứ không phải của một số ban, ngành, một vài tập thể hay cá nhân điển hình nào.

Hiện nay cũng có rất nhiều nhạc sỹ viết cho thiếu nhi, nhưng bởi hạn chế nhiều yếu tố mà những tác phẩm này chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có sức lan tỏa mạnh ví dụ như họ không có đủ khả năng tài chính để tự sản xuất ca khúc và các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, các nền tảng trực tuyến cũng không dành nhiều "đất" cho chương trình ca nhạc thiếu nhi. Và cuối cùng, các đơn vị hay cá nhân tổ chức những buổi biểu diễn hoặc sự kiện có ca khúc thiếu nhi cũng ngại tìm kiếm và xây dựng tiết mục ca khúc hoàn toàn mới bởi dễ phát sinh thêm chi phí...Vậy nên, chúng ta cứ than là thiếu tác phẩm nhạc thiếu nhi chứ thực tế không hẳn vậy.

Thiết nghĩ Nhà nước, ngành văn hóa, các hội âm nhạc, các địa phương…nên xây dựng một quỹ giải thưởng thường niên cho ca khúc thiếu nhi để khen thưởng những sáng tác hay về thiếu nhi; tổ chức đều đặn các trại sáng tác, cuộc vận động, các cuộc thi viết bài hát cho thiếu nhi và có giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm chất lượng cao, có sức sống trong lòng công chúng. 

Cái khó của người dàn dựng chương trình tham gia liên hoan hiện nay, chính là sự hiếm hoi những sáng tác âm nhạc mới dành cho thế giới trẻ thơ. Hầu hết các ca khúc góp mặt tại liên hoan và xuất hiện ở nhiều cuộc thi văn nghệ thiếu nhi từ nhiều năm qua đều sử dụng phần lớn những ca khúc ra đời từ những thập niên trước. Âm nhạc là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi.

Vai trò âm nhạc trong đời sống rất quan trọng.Trong một cuộc hội thảo NS Trương Quang Lục đã từng phát biểu: “Từ trẻ em đến người già, ai cũng cần âm nhạc để giải trí. Trong quá khứ, hoạt động ca múa nhạc thiếu nhi đã giúp nhiều ca sĩ trưởng thành và thành danh, góp sức cho hoạt động phát triển âm nhạc tại TPHCM. Bên cạnh những sáng tác có lồng ghép tính giáo dục, còn có hàng loạt bài ca có ca từ và nội dung đơn giản, dễ hiểu, mang tính giải trí cao, phù hợp lứa tuổi thiếu nhi, giúp các em dễ cảm, dễ hiểu, dễ thuộc”.

TP Hồ Chí Minh từ lâu được xem là cái nôi sản xuất âm nhạc, trong đó có âm nhạc thiếu nhi nhiều nhất nước. Nhưng những năm sau nay, lĩnh vực sáng tác âm nhạc thiếu nhi đi xuống thấy rõ. Âm nhạc thiếu nhi nhường thị trường cho âm nhạc người lớn. Những năm gần đây sự bùng nổ mạng xã hội như các kênh YouTube, TikTok, FaceBook, làn sóng âm nhạc ngoài nước xâm chiếm thị trường, các kênh giải trí thiếu nhi nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam. Nhiều game show thiếu nhi được đầu tư hoành tráng, nhưng các ca khúc được trình diễn toàn của người lớn, nhà sản xuất chỉ nhắm đến mục đích lôi kéo người xem, thu hút quảng cáo…Còn các liên hoan, hội thi văn nghệ thiếu nhi, khán giả rất ít mà đa số cũng chỉ có phụ huynh xem con mình hát?

Hiện nay thiếu tác phẩm hay cho thiếu nhi và báo động tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn. Thực tế, mặt trận sáng tác ca khúc thiếu nhi gần như bị bỏ quên đã khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng những ca khúc âm nhạc mới, chất lượng, dành cho trẻ thơ. Ở trường học, học sinh chỉ được học những tác phẩm âm nhạc cũ.

Các hội thi hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi cũng sử dụng chủ yếu những sáng tác có vài chục năm tuổi. Nhạc sỹ trẻ chỉ “mặn” sáng tác nhạc người lớn, não tình; Nhạc sỹ tâm huyết với nhạc thiếu nhi lại không tìm được đầu ra cho tác phẩm, không có chi phí để đầu tư, ra mắt sáng tác mới. Thế nên, không ít ca khúc ra đời cũng chỉ nằm trên giấy. Một số nhạc sỹ không theo kịp tư duy phát triển của đời sống con trẻ hôm nay nên ca khúc không thể lan tỏa. Trong khi đó, các đơn vị Nhà thiếu nhi quận, huyện luôn có nhu cầu sử dụng ca khúc mới, nhưng kinh phí lại hạn hẹp, không thể đặt hàng sáng tác…

Nhà đài chỉ lo chạy theo doanh thu và quảng cáo, thể hiện sự thiếu quan tâm của lãnh đạo đài với vấn đề giáo dục thiếu nhi bằng âm nhạc. Những tác phẩm được các thầy cô dàn dựng cho các liên hoan, hội thi, sau một lần diễn thì xếp xó. Các Nhà thiếu nhi quận, huyện ao ước các chương trình dàn dựng được phát sóng trên đài truyền hình để quảng bá cho âm nhạc thiếu nhi, để phát huy tốt nhất về vật chất, tinh thần và sự sáng tạo, nhưng quá khó…

Muốn được tốt hơn, tình hình khả quan hơn thì rất nhiều việc phải làm ví dụ như về các hội chuyên ngành thì sau mỗi đợt sáng tác phải có sản xuất, tổ chức đêm nhạc giới thiệu tác phẩm, tác giả. Tác phẩm âm nhạc thiếu nhi phải được đầu tư cả về nghe và nhìn, phổ biến rộng rãi trên mạng để đạt hiệu quả cao hơn. Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phối hợp với hội chuyên ngành để đưa những sáng tác chất lượng vào giảng dạy trong nhà trường

Để có những sự thay đổi hiệu quả, phụ huynh và nhà trường cũng cần phải hành động để góp phần giáo dục âm nhạc cho con trẻ: thay đổi nội dung giáo dục âm nhạc trong sách giáo khoa, xây dựng giờ học âm nhạc thiếu nhi tích cực, giới thiệu những sáng tác phù hợp lứa tuổi; học nhạc, hát nhạc sẽ giúp hình thành nhân cách, tình cảm của các em; phụ huynh nên thể hiện vai trò, nhận thức và định hướng đối với thị hiếu thưởng thức và giải trí âm nhạc của con trẻ tại nhà.

Ngoài ca khúc thiếu nhi, vẫn cần sự quan tâm đến mảng nhạc sinh hoạt thiếu nhi, nhạc đội, nhạc ca múa, nhạc ca cảnh…dành cho thiếu nhi. Trên thực tiễn, các em vẫn đang “đói” nhiều thứ và cần được đáp ứng sớm chừng nào tốt chừng đó.

Mỗi khi đề cập đến thực trạng âm nhạc cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhạc sỹ, nhà giáo lại có chung một nhận xét: Vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa những bài hát có chất lượng trung bình, nhưng lại quá thiếu những bài hát thiếu nhi mới và hay phù hợp với giai đoạn hiện nay và có thể “sống” được trong lòng công chúng.

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngày càng nhiều trẻ em hát những bài hát dành cho người lớn, với những lời hát về tình yêu, về chia ly, đau khổ...khiến cho người lớn không khỏi “giật mình” như các bài Trái cấm tình yêu, Ok! ta chia tay, Con đường xưa em đi, Chuyến tàu hoàng hôn, Giã từ…hát một cách say mê mà thậm chí ban giám khảo, khán giả đều hò hét vỗ tay hoan hô!

Trong những năm gần đây, tại nhiều sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, The Voice Kids, Thần tượng tương lai, Tuyệt đỉnh song ca nhí…ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em hát những ca khúc người lớn, không phù hợp với lứa tuổi là  đều đáng báo động nhưng xem ra các ngành chức năng chưa có động thái nào quyết liệt?

Rất nhiều khán giả, nhiều phụ huynh, nhạc sỹ cảm thấy buồn và không khỏi lo lắng, bởi lẽ ở lứa tuổi ấy, các em nên hát những bài hát trong sáng và vui tươi, có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, chứ không phải những bài hát não tình, kích động như thế, vừa không phù hợp với lứa tuổi, vừa ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em.

Hiện nay số lượng người sáng tác nhạc cho thiếu nhi vẫn khá nhiều, nhưng chất lượng không đi đôi với số lượng, nên những bài hát mới sáng tác cho thiếu nhi không được công chúng đón nhận. Những năm gần đây, vẫn có một số cuộc thi viết cho thiếu nhi, mặc dù các tác phẩm gửi dự thi khá nhiều, nhưng lại thiếu những ca khúc hay như những tác phẩm viết cho trẻ em của những thế hệ trước.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng các tác phẩm âm nhạc mới và hay dành cho thiếu nhi, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do tư duy và năng lực thẩm mỹ về văn học của người sáng tác, một phần do tác giả không chịu đầu tư công sức để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi các em.  

Thêm vào đó, lực lượng nhạc sỹ trẻ có tài chỉ một số ít quan tâm đến âm nhạc thiếu nhi còn đại đa số viết nhạc cho thị trường, viết nhạc cho người lớn, cho các giải thưởng...bởi viết nhạc cho trẻ em vừa khó viết, vừa ít tiền do cơ chế nhuận bút thấp lại khó nổi tiếng, vả lại sân chơi giới thiệu sáng tác mới cho thiếu nhi hầu như không có nhiều.

Muốn vực dậy nền âm nhạc thiếu nhi cho Thành phố hiện nay còn nhiều vấn đề cần phải đặt ra và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thật là bài toán nan giải trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

ĐỀ NGHỊ  

-Hội Âm nhạc nên có nhiều đợt vận động sáng tác bài hát thiếu nhi

-Tăng cường các bài hát thiếu nhi trong nhà trường

-Tạo nhiều sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi

-Đầu tư thêm cho phong trào văn nghệ thiếu nhi định hướng cho các em trở về tuổi thơ hồn nhiên của mình không để các game show ca nhạc nhảm nhí lấn áp tâm hồn các em.

NS Nguyễn Quốc Đông

 

--------------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

-Website  Hội nhạc sỹ Việt Nam: https://hoinhacsi.com

-Báo SSGP tác giả Thúy Bình https://sggp.org.vn

-Thông tấn xã Việt Nam -  Lan Lộc https://vnanet.vn

 

Lượt xem: 258

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com