Tây Ninh gạo trắng nước trong

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Chủ nhật, 14 Tháng 8 2011 Viết bởi Bùi Trung

   

Đây là một bài ký của anh Bùi Trung - Cựu học viên NLS Bảo Lộc - Cộng tác viên của TrangNha kể về những ngày đầu vào Tây Ninh lập nghiệp,vùng đất đã tạo nhiều dấu ấn cho cuộc đời anh...Đúng như câu thơ: Tây Ninh đi dễ khó về...            

   Cuối năm 1993,nhân một chuyến thăm gia đình tôi ở Bảo Lộc,vợ chồng cô em gái thứ bảy-cả hai cũng từng công tác tại trường Trung cấp Nông Nghiệp và Dạy Nghề Bảo Lộc tức Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc trước 1975-đề nghị tôi về Tây Ninh thực hiện một hợp đồng chạy máy cày chăm sóc cao su Nông trường Bến Củi.

   Đang không thuận lợi  về phát triển kinh tế gia đình dù đã xoay nhiều hướng bằng cái sở học Canh nông như:Canh tác cà-phê chưa có hoa lợi,nhân giống cà phê con,giâm trà cành giống TB-11,TB-14;sản xuất trứng tằm giống đa,lưỡng hệ.Mọi việc cứ xập xình không suông sẻ dù được ông anh Cả-anh Tho-quan tâm và hỗ trợ ,dĩ nhiên chỉ  tinh thần là chính vì hoàn cảnh gia đình của ổng cũng còn gian nan lắm.

   Từng xử dụng thành thạo các loại máy cày,kéo trên vùng cao nguyên toàn đồi nương đầy dốc đứng quá nguy hiểm nay chuyển về vùng đồng bằng thì ngon ăn rồi,hơn nữa đã 45 năm gắn liền với cao nguyên và duyên hải miền Trung nên đôi lúc cũng muốn “dzô Nam dà dìa Miền Tây”cho biết .Muốn nhưng cứ phân vân nhiều lẽ : Một,ở Bảo Lộc từ nhỏ đến giờ quen rồi,không hiểu tới xứ người lạ hoắc ra sao ?;Hai,bà xã và hai con còn quá nhỏ lại ở trong vùng đồi nương heo hút;Ba,vườn tược bỏ bê mà tha phương cầu thực rồi sẽ ra sao  ?.Vấn kế ông Cả,Anh Tho quyết “cái rẹt” :Có thay đổi biết đâu là cơ hội !??.Cứ đi trước xuống đó làm và thâm nhập thực tế,nếu thấy được thì bán trên này chuyển hết về Tây Ninh lập nghiệp.Cho cái mốc là 3 tháng rồi quyết định.Tạm thời vợ con ở lại,đại gia đình Bảo Lộc sẽ quan tâm và hỗ trợ.Vậy là yên tâm khăn gói quả mướp đón xe đò đi Tây Ninh (chính xác là quá giang đoàn xe chở công nhân đi du lịch Đà-lạt tháng 9/1993) .

   Những ngày tháng đầu tiên nơi xứ lạ quê người tưởng chừng không kham nổi cái nắng “cháy da người”.Lạ lẫm với các thao tác chăm sóc vườn cao su-khác hẳn với canh tác trà,cà-phê,dâu tằm ở vùng cao Bảo Lộc -Vào luống xong là “đánh” ngược cần thủy lực để hạ giàn cày 7 chảo và nhấn chân ga sát ta-pi (tốc độ tối đa)lao về phía trước tạo tành một rãnh cày thẳng như kẻ chỉ từ đầu đến cuối lô dài năm trăm mét tấp vào gốc hay bới ra theo mùa mưa nắng.Nếu chỉnh bánh lái không chuẩn hoặc không tự tin thì “đổ nợ”liền vì cây cao su 1,2 năm tuổi sẽ gãy ngang  hay trốc gốc ngay lập tức và …nghỉ khỏe!.

   Tiếp xúc với công nhân và bà con gần chỗ làm lúc đầu cảm thấy hơi khó chịu vì những tiếng chửi thề xả láng;hơi chương chướng khi thấy dân bản xứ “tự nhiên”quá đáng (đi ngang vườn cây ăn trái hay rò đậu vừa già tới thì tỉnh rụi vít cành hái vài chùm nhãn,mận  hay khum mình tỉnh bơ nhổ mấy bụi đậu phụng rồi tách hạt ăn sống.Lỡ bị chủ phản ứng thì “cự”lại ngay “-Chút đỉnh mà làm dữ dzậy !”.Dần dần rồi cũng quen mắt,bản thân thì không bao giờ!.

   Dễ thương nhất là bà con sống với nhau tình nghĩa lắm,đám giỗ thì “rùm beng” ngang đám cưới,ma chay thì xúm lại đờn ca,thức trắng với tang gia ,ấm cúng và xôm tụ vô cùng,cũng là dịp các “chiến hữu”hội ve chai,cờ tướng,tiến lên tụ tập sinh hoạt ì xèo,nhờ vậy,đêm buồn như ngắn lại.Đám cưới thì “hiện đại hóa”chẳng chịu thua các nơi khác,nổi bật là chương trình nhạc sống miễn phí hai đêm với giàn âm thanh mở vô-lum cực đại bưng tai xóm làng ,”Dzậy mới dzui”!.

   Sự giao tế,gắn kết rất bình dân trong cộng đồng xóm làng hay cơ quan,xí nghiệp,chỉ cần ra mắt trong buổi sơ giao vài trái cóc,ổi,sang hơn là diã gỏi cá đồng hay con rô nướng trui làm mồi,kèm vài xị đế vui vẻ có nghĩa là trở thành “chiến hữu” “tình thương mến thương” luôn nhớ mời nhau mỗi khi có “độ”.Khoản này cánh lái máy cày chúng tôi thời đó rất ủng hộ nên mỗi chiều thường tụm lại khề khà vài ly cho giản gân cốt.

   Dần dà bỗng thấy khoái cái hiền hòa ,chân chất của người địa phương.Hơn nữa,giá sinh hoạt so với Bảo Lộc thì khỏi chê,ở Bến Củi  năm 93 còn thông dụng tiền giấy 100,200 đồng,hủ tiếu,mì,phở chỉ 500-1000 đồng một tô,củi không tốn tiền,không cần vốn cũng kiếm sống được như vào lô cao su xin móc củi đem bán,lượm hột kể cả vỏ trái cao su bán cũng có tiền,cá đồng thì sẵn,rẻ như cho;thổ nhưỡng thích hợp hầu hết các loại cây giá trị cao,chỗ này là cơ hội cho tôi góp phần xây dựng kinh tế địa phương bằng vốn kiến thức gặt hái được trong những năm tháng miệt mài dưới mái trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc ngày nào.

   Sau 3 tháng thực tế,tôi nghiệm ra rằng :

       Tây Ninh gạo trắng nước trong

   Phải về đây sống mới mong đổi đời !

…và gia đình tôi đã trở  thành dân Tây Ninh từ những ngày tháng ấy.

                                                           (viết riêng cho nonglamsuctayninh.com)

                                                                     Bến củi 11/8/2011-Một ngày nắng đẹp.

                                                                                        BÙI TRUNG.(MS 63-68)

 

Lượt xem: 4733

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com