Những ngày cuối năm thời thơ ấu

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Thứ năm, 19 Tháng 1 2012 Viết bởi Bùi Trung

NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM THỜI THƠ ẤU.

( Như một tự truyện,truyện mình,nhà mình,nhưng hy vọng sẽ là những
thông tin có giá trị cho các bạn ra đời từ 1970 về sau này.Người đọc
có thể hình dung ra một làng Công Hinh,Blao cũ với Trường Quốc Gia
Nông Lâm Mục –còn trên bản vẽ-vẫn là Sở Canh Nông;Hồ Bảo Lộc chỉ là
con lạch nhỏ;khu Hành Chánh và chợ Mới hiện nay là dãy đồi sim bạt
ngàn;xóm Sình còn là những ô ruộng lúa,ruộng rau,ao cá với nhà cửa
thưa thớt.Tôi viết về Blao với tất cả trân trọng-nơi tôi được sinh
ra,lớn lên,học tập,sinh hoạt suốt bốn mươi lăm năm -BùiTrung )

-Photo 1955-Bìa trái:Bùi Tho,Bùi Trung……Bùi Đông(TL 70-73) đang được má bồng.

Hồi 8.9 tuổi,khoảng 1957-1958,cái Tết đã rạo rực trong lòng từ đầu
tháng Chạp,vì qua đối thoại của người lớn đã thường xuyên có Tết trong
mọi câu chuyện từ về quê,lá chuối,bình hoa,bánh tráng,thịt heo….Trẻ
con càng sốt ruột hơn vì sắp được nghỉ bảy ngày,được ăn nhiều bánh
trái,được đốt pháo,được đi chơi cả ngày không bị rầy la và nhất là
được…lì xì !.
 Khá giả vui tết ì xèo,nhà mình nghèo lại đông anh em nên chỉ vui
xuân với tinh thần là chính,riêng vật chất thì khá hơn ngày thường đủ
cho cả nhà ăn uống tươm tất ba ngày là quý lắm rồi.
 Không hề biết ba,má từng suy tính,đắn đo lo lắng về chi tiêu trong
lúc năm cùng tháng tận,tôi chỉ mong mau sáng rồi mau tối để sớm được
mặc quần áo mới,được ăn ngon và khỏi đi học;chỉ biết thỉnh thoảng ba
đưa cho má dúm tiền vào buổi trưa thì ngay chiều hôm ấy má bê về nhà
vài ký nếp,túm đậu xanh,chai xì dầu,vài lọn bún,dĩ nhiên không thiếu
cái bánh đa chia năm xẻ bảy cho anh em chúng tôi gọi là quà,cũng có
hôm mẹ dúi vào tay mỗi đứa một cái kẹo dừa là sướng mê,kẹo dừa một
đồng chín cái,đó là hôm nhà vừa bán trà đọt cho nhà máy trà của ông
tàu Huỳnh Hứ cạnh hông đồn hiến binh(sau này là đồn Quân Cảnh tư
pháp).
 Ba làm thợ mộc thường làm chung với chú Sáu Nhị và Bác Thợ Giàu,sáng
đi chiều về,rãnh việc mới phụ má lo vườn tược.Má vưà lo toan hết việc
nhà đến chăm sóc thu hoạch trà,ngơi tay là vào rừng vác củi khô về
chụm.
 Nhà có hơn chục cây ổi rất sai trái,toàn ruột đỏ rất ngon được trồng
từ hồi bà nội còn ,anh em chúng tôi cứ sáng tinh mơ là trèo lên hái
thảy xuống cho người dưới chụp,được độ nữa gùi là má mang ra phố,chợ
dạo bán.Dần dà,thu nhập từ ổi coi như ổn định.Có những hôm đắt
hàng,hái lần hai má cũng bán sạch,nhà vui hẳn.Phố chợ lúc ấy bỗng vắng
đi khi một hôm nào đó thiếu bóng bà Tám Thơm lưng mang gùi ổi,tay cắp
thúng quen thuộc.Mấy chú Tàu Long Phụng,Tam Hưng,Diệu Huê,Chấn
Phát,Vĩnh Thái,Vận ký gặp tôi là hỏi ngay :
-“Hầy à ! má của cái nị ‘pịnh’ hay sao mà hỏng thấy ‘li páng ủi’?
 Những ngày cận Tết,má vẫn đều đặn gùi ổi đi bán.Tôi đeo một cái giỏ
bàng vào cổ,trèo lên cây hái đến khi nặng cổ thì tụt xuống trút vào
gùi.Má đứng dưới chỉ lên những quả ngon khuất trong lá,tôi chuyền như
khỉ miệng nhai rau ráu trái ổi nhỏ ruột đỏ au,ngọt xớt.
 Không khí Tết bao trùm toàn Thị trấn Blao từ 23 tháng chạp-đưa Táo
về trời-chợ thêm màu sắc,các hiệu bán tạp hóa chưng hàng tết ra ngoài
mời mọc,các loại pháo được bày trong tủ kính và treo lủng lẳng.Rất
nhiều gian hàng chỉ bán pháo trong mùa tết cũng từ từ xuất hiện ngày
càng nhiều.Pháo đã lác đác nổ từ sau Noel.
 Má bán ổi xong,tạt ngang chợ mua đồ cúng đưa ông Táo,thủ tục mà!điều
kiện gia đình chỉ vậy thôi,vài cành vạn thọ,một bộ vàng mã,vài trái
quýt,dĩa bánh in gói giấy kính màu xanh đỏ,một dúm mứt dừa khô khốc.
 Chiều ba đạp xe về,mở túi lấy con cá chép giấy đưa mẹ-cá chép thật
còn là món cao cấp lắm-ba bảo :
 -Ông bà Táo bận áo dài không bận quần lại ngồi cá chép lên chầu
trời,cũng hay hay !.
 Má “Hứ”một tiếng rồi cười cười không nói.
 Trước khi thắp hương các bàn thờ và chuẩn bị đưa Táo quân về trời,ba
giở chân đèn bằng đồng lấy ra 5 viên pháo tiểu-ba thường gọi
‘tiếng’thay cho viên-vậy là chút nữa ba đốt 5 tiếng pháo.
 Ba thường mua pháo lẻ,tháo rời đốt được nhiều lần, “kho”pháo của ba
là chân đèn trên bàn thờ Phật,bên trái.biết vậy thôi,chẳng đứa nào dám
tơ hào.Phải chi pháo phong,pháo nồi còn mong rút bớt !.
 10 giờ tối nhà nào cũng lên mâm đưa Táo đi,phía chợ pháo nổ hàng
tràng inh ỏi.Ba từ từ đốt từng viên,cả nhà ngồi chờ pháo nổ,sốt cả
ruột.
 Bên nhà bác Ngư,Ông Lân,chú Chín út nổ râm ran,nhóm trẻ nhỏ hàng xóm
chạy ào vào,bất chấp nguy hiểm giành pháo tịt hò la ỏm tỏi làm náo
động cái xóm La-vang sau nhà thờ.
 Xóm trên cũng ùng oàng,chó ban đầu còn sủa gâu gâu sau đó là tru lên
hu hú.Nhà thầy Thống,bà Sáu Nhơn,bà Túc,ông Dưỡng,Ông Tiềm,bà Hồ,bà
Cấp,ông Cai Hai,ông Hai Ý,bác Bảy Phò thường im ắng.
 Xóm sân banh bỗng rền vang tiếng nổ long trời,rồi tiếng vỗ tay cười
í ới,vậy là nhóm anh Tố,anh Cộng,anh Gia Ba đã khai hỏa thần công khí
đá,một lúc sau xóm trên-chắc nhóm anh Cho ,anh Ngỗng ,anh Chạy nhà bác
Thợ Giàu phản pháo đùng đùng liền.Món chơi này hấp dẫn cả già lẫn
trẻ,chụm vào xem bỏ đá các-bua châm nước,bịt đầu nòng xong là dãn ngay
khi châm ngòi lửa cuối ống rồi quay lưng bịt tai chạy ra xa chờ nổ
rung người lại quay vào xem tiếp,nhóm nhỏ chúng tôi chạy đi xục xạo
tìm cho ra cái ống đựng sơn cũ bịt nòng làm quả pháo,cứ vậy chơi đến
khuya.Đồn lính Quận thỉnh thoảng bắn vọt lên vài trái pháo sáng,cái dù
nhỏ bẻo đong đưa.
 Sáng 24, trước tam quan chùa Phật học Blao có một ông đồ ngồi mài
mực tàu vẽ trên giấy đỏ các chữ việt bay bướm,có hoa lá chim,rồng
phụng với những miếng gỗ 1,2,3 cm được khoét răng cưa phần đầu vát
nhọn chấm mực…..Đã thành thông lệ hàng năm và mỗi mình ông nên rất đắt
khách,phải chờ lâu lắm mới tới lượt mình.Hồi đó ông được cho là tài
lắm vì nét chấm phá chớp nhoáng là ra hình rồng,cọp,chim,cá ngay.Tuy
nhiên,nếu để ý thì biết ngay là ông luyện riết cả năm có mấy câu như:
“Cung chúc Tân Xuân”, “Chúc mừng Năm Mới”, “Tân niên Hạnh phúc”, “Năm
mới phát tài”, “Mừng Xuân Di-lặc”, “Phúc-Lộc-Thọ”thì làm gì mà không
nhuần tay,không điêu luyện ?.Nếu gặp yêu cầu câu lạ thì ông có cả
nghìn lý do để hẹn ngày …mai,có lẽ để tối về tập trước cho quen(!).
 Gần tết !khoảng 24,25 tháng Chạp,má mới từ từ mua quần áo mới,thường
là pyjama sọc hay quần tây xanh,sơ mi trắng may sẵn,cái nón vải,giày
vải hay đôi dép Nhật,gái hay trai cũng thế,đứa nào cũng cố ưỡn ngực ra
khi má kêu lại gần ướm sơ bộ quần áo lên người.Vậy là yên tâm rồi,có
đồ mới rồi !Chỉ ướm thử,cùng lắm là mặc vào xoay người một vòng là cởi
ra ngay,để dành Mồng Một Tết,là hàng chợ rẻ tiền nên chuyện mới mặc
vào ngày đầu năm đã toác lai,hở nách là thường !.
 Sáng 25,chạp mả,khách vãng lai cùng dân địa phương tập trung về các
nghĩa trang dọn dẹp vệ sinh làm cỏ mồ mả ông bà tổ tiên,chẳng đợi nhắc
tự mọi người cùng ra tay tổng vệ sinh toàn nghĩa trang gọn gàng,kể cả
các nấm mồ vô chủ cũng được nhang khói ấm cúng,đây là dịp bà con quen
biết từ lâu,làm ăn xa ít gặp có dịp thăm hỏi chuyện trò trong tiếng
pháo đì đoàng.Trẻ con được giao công việc thắp hương các mộ không ai
chăm sóc,hễ nghe pháo nổ là ùa lại xô nhau chộp giật pháo bung,pháo
hỏng.
 Ba tay bắt mặt mừng ông Sáu Mọi,ông Thầy Mười Bốn từ An Lạc về,lại
kính cẩn chào bà Phó Ngữ,ông Sáu Lé,ông Xoài ở Phẹc (Ferm).Gặp ông
Diện Cao, ông Diện Lùn,ông Tôn Sắc,ông Pháp,chú Tư Thông xóm trên hẹn
nhau gầy sòng cát-tê “hai thưởng ba thường” ba bữa Tết.
 Hai bên cổng nghĩa trang là dăm bàn bán nhang,đèn cầy tíu tít mời
chào, lác đác vài bàn bầu-cua-tôm-cá cò con,ngồi xúm quanh là lũ nhỏ
chầu rìa,đoán mò và la om tỏi.
….Thời đó,cờ bạc được sát phạt công khai trong ba ngày Tết,có thể lâu
hơn nhưng không được mất trật tự,xe Cảnh sát thỉnh thoảng chạy ngang
khu phố Tàu trước quận là bãi bầu cua,tài xỉu,dì-dách,bài cào,xập
xám,tay nào gian lận hay phá bĩnh được mời lên xe ngay-ai cũng biết
chạy xa xa là thả xuống thôi,ba bữa Tết mà !......
 Trên đường về,ba lại có dịp chào hỏi người quen theo Thiên chúa giáo
cũng đi dọn dẹp khu “mả Thánh”:Ông bà Tín Nhiệm,bác Tín,ông Phú
Thịnh,ông Văn Hóa,bà Nam Cường,bà Tham…đông vui lắm.tôi tung tăng chạy
trước,dáo dác tìm lượm pháo xì bỏ túi.
 Tụi thằng Chạy con chú năm Mèo,thằng Phú con ông Tám Cược,thằng
Cường con bác Bảy Nguyện,thằng Ty con ông Bếp Dầu,thằng Nghĩa,anh
thằng Ngô trung Hiền, con ông Tư Lễ lúc nào cũng vớ được đầy ắp mấy
túi pháo nguyên,pháo xịt,tôi phục lắm,sau này chợt nghĩ ra là tụi nó
biết quan sát thôi:bám sát những ai từ xa về chạp mả,họ luôn cúng đầy
đủ,đốt pháo tràng,pháo phong coi như ăn Tết sớm với người quá cố,họ
thường phóng khoáng,có nhào vô dập ngòi phong pháo đang nổ cũng chẳng
buồn la.Tụi nó rình và chờ từ trước,còn mình nghe nổ mới chạy đến nơi
chỉ còn pháo…sót!
 Lúc ấy tôi không chơi thân với ai,vả lại cũng hiếm đứa trạc tuổi
tôi,trong xóm có thằng Cu Tít tưng tửng con ông Hai Hoe,thằng Thành
Câm điếc,con chú chín Út.Hai tên này chỉ cần ghé nhà đôi lần là đã bị
chửi,thực tình cũng không hạp.
 Có con Huệ,em chị Hạnh,con bác Bảy Phò nhỏ hơn tôi vài tuổi nhưng
hay nhảy lò cò,nhảy dây,chơi banh đũa chung vào mỗi chiều ẵm em sang
chơi.Tôi đã ẳm nách từ thằng Đông,con Phú,rồi Vinh,Quang,Hồng,Hùng-ẵm
trường kỳ đến chai cả hông-qua sân nhà bác Bảy Phò cùng con Huệ bẻ lá
dừa,lá chuối làm sân khấu rồi diễn kịch,hát hò lằng nhằng mà vui
lắm,nhiều lần đang diễn thấy em mình bò khỏi mép chiếu bốc đất ăn lại
phải nhảy xuống lôi vào hái cho trái trà non dụ khị rồi diễn tiếp.
 Mấy ngày gần Tết cũng ẵm em qua chơi để má rãnh tay lo việc nhà,dẫn
thêm mấy đứa nữa để khỏi quấy rầy má,vậy là có thêm khán giả vỗ
tay,cười hi hi,thỉnh thoảng lượm chùm ruột rụng,hái dái mít chấm muối
ăn ngệu ngạo,nghẹn muốn ngộp thở.
 Nghe má kêu thì xốc em chạy về chuyền cho má hay đặt em vào cũi rồi
cầm tiền chạy u xuống quán bà Ba Hòa,gần nhà bác Bê,bác Quýnh mua ràng
bánh tráng hay chai dầu lửa hoặc cái bóng đèn hoa kỳ.Mua gạo,nếp thì
ghé quán Trung sĩ Nhận,ít khi ghé quán bà Mạo vì…không ưa!.Dọc đường
đi khom lưng lượm pháo xịt nhưng lại vứt ngay vì đã xịt đen đít mất
rồi.
 Nhờ lanh lẹ và còn bé nên được ở nhà coi em và chạy vặt.Hai anh lớn
giờ đang sục xạo trong các đồi trà sau xóm đình hái nụ bông trà,lấy
củi,tát cá.Mấy chủ nhật,ngày được nghỉ gần Tết là ngày anh Tho và anh
Thư  chạy xe đạp vào rừng sâu lùng kiếm phong lan,giới chơi lan rừng
Blao thời ấy ai mà không biết danh Tho,Thư con ông Tám Thơm với những
bụi phong lan quí,hiếm,khó tìm.
 Những bụi lan đẹp được dùng làm quà tặng là mốt lúc bấy giờ-chịu bỏ
50 hay 100 đồng mua một bụi lan chỉ vài người dám-người Thượng hái lan
ra phố bán chỉ 5,10 đồng một cụm,lan của hai anh có bụi Bạch hoàng Lan
được trả đến 100 đồng vẫn không bán.Nhớ có lần ba vị nể nên bán bụi Bá
Khế “ruột”của hai anh đã gây hục hặc giữa ba,má và hai anh hờn giận
mấy ngày.
 Mấy hôm rày hai anh lo chăm chút lan để sáng 28 bày ra trước tiệm
chú Oanh Vận ký giáp lộ 20 bán cho khách xe đò chạy ngang.Trong lúc họ
tỉa lá vàng,phun nước thì tôi cọ và đánh bóng bộ lư đồng.Thỉnh thoảng
dừng tay tuyển lựa pháo tịt tôi lượm được,còn tim để dành,cháy chưa
hết tim thì bẻ cổ,không thấy tim nhưng còn đít xi thỉ bẻ gập đôi rồi
cùng nhau anh đốt em đạp nổ lẹt bẹt,xì khói trắng và bay lằng ngoằng
như hỏa tiễn,thế là vui vẻ,khoái chí cười vang.Thu,Đông,Phú chỉ dám
lấp ló hiên nhà mà còn bịt tai nhăn mặt.
 Chiều 28 cúng tất niên xong,một mâm tươm tất bày ở nhà trên đãi
khách,cũng như mọi năm,có bác Hai Kế,cô Bảy Bụt,bà sáu Nhơn,ông
Dưỡng,bác Ngư,chú Chín Út,bác Bảy Phò…từ nay đến chiều 30,ba phải xếp
việc để đi một vòng tất niên “trả nợ miệng”.
Ba đốt 10 tiếng pháo,anh em tôi cũng phối hợp làm không khí thêm rộn
ràng với những âm thanh đùng, đoành, lụp bụp,lẹt xẹt,xì xịt,khói pháo
thơm lừng cả khoảng sân rộng trước nhà.Con Kiki giờ đã lịm đi trong
kẹt tủ,nó thuộc loại khôn,chó người ta đã bỏ nhà chạy trốn tận hầm đá
chú Chín hay sở Tây Chauvel từ 25 tết và chỉ oặt oẹo trở về lục lạo
kiếm ăn khi xóm làng ngơi tiếng pháo sau nữa đêm và lại cụp đuôi chạy
thục mạng khi pháo nổ vang vào hựng sáng.
 Tiệc tan,khách về,mâm được gom từng món lại, thêm vài tô dưới bếp
bưng lên thành tiệc của Má và anh em chúng tôi.Phải công nhận đó là
một trong những lần được ăn ngon nhất trong đời,có chả ram,chả quế gà
luộc,thịt ba chỉ luộc,thịt ram,bún xào,bún tàu nấu lòng gà,cá kho và
món không thể thiếu là trứng vịt tráng,ăn no cành hông mà vẫn cứ thòm
thèm.
 Chợ Cũ Blao-hồi chưa cháy- thời đó tọa lạc trước cổng Quận Hành
chánh Bảo Lộc,bên kia đường.Bến xe nằm trước tiệm Bảy Hạnh,vô sâu
chừng 100 mét là dãy phố,có gác cao,bên trái có tiệm Tân Tiến chuyên
bán áo len và văn phòng phẩm,cuối dãy là tiệm sắt Tín Nhiệm và giặt ủi
Trường Sơn,đi tiếp vài căn nhà ở nữa là cổng sau trường tư thục Cộng
Hòa.
Bên này là tiệm cơm Như Ý và vật liệu xây dựng Phú Vinh (Bưu điện trung
tâm hiện nay),phía sau là khu họp chợ được bao hai cạnh bởi khu
ba-mươi-bảy-căn thành chữ L ngược,có con đường từ góc đi xuống Xóm
Sình,ngang qua mặt sau Bệnh viện Bảo Lộc-Nhà Thương Thí-miễn phí 100%
cho tất cả mọi người).
 Chợ họp buổi sáng và vì không đông dân cư nên tập trung quầy hàng
sát mé đường,phía sau còn trống là nơi dành cho quảng cáo mãi võ Sơn
đông và tổ chức vui chơi tết.
Từ 25 tết thường có các đoàn nghệ thuật xiếc về diễn qua tết ,ăn khách
nhất là Mô tô bay Việt Nam,người coi đông lắm,khen ngợi hết lời càng
làm chúng tôi thêm háo hức,thèm thuồng,chỉ biết đứng dưới nhìn lên
thấy người ta đứng trên sàn cao nghệu nhìn xuống chiếc lồng gỗ
tròn,cao,to tướng rung lên bần bật khi đội mô-tô biểu diễn bên
trong.Cuối cùng mình cũng được an ủi khi cửa lồng mở ra,từng chiếc
mô-tô với những người lái oai hùng lao ra rồ máy,vẫy tay chào,mê quá
!.
 Làm gì có tiền mua vé,cả quãng đời thơ ấu của chúng tôi chỉ có ra
khu vui chơi đi lòng vòng và xem các tiết mục quảng cáo vòng
ngoài,cũng tạm hả hê khi đứng xem đoàn Xiếc,ảo thuật,hài Trần Bình với
hai đứa trạc tuổi chúng tôi gây cười bằng cách đóng vai sạc-lô hát
nhái và biểu diễn những màn sơ cấp như,nuốt điếu thuốc đang cháy,bóp
khăn ra trứng gà…..giữa hai xuất diễn.Cố chen chân cho gần để xem xổ
số kiểu máy bay đáp xuống phi trường trúng thưởng 5 cục xà bông,cái
chảo nhôm; hoặc bịt mắt nín hơi khi đi ngang xe Thập điện A-tỳ nhân
tạo có 2 con quỷ đang kéo cưa cắt đôi người có tội,máu me đỏ lòm,sợ
lắm !.
Đoàn cải lương hát Tết tại rạp Lâm Sơn đối diện nhà Thầy Trực,ông
Bảy Đô hồi đó giàu lắm,nguyên khúc phố từ hẽm đối diện đồn Hiến binh
dài lên giáp Hiệu ảnh Thẩm mỹ viện-Nhà Kim Nguyên-có cả cây xăng là
khu nhà ở,cho thuê và buôn bán,phía sau là rạp hát,ra sau nữa là nhà
máy phát điện,góc cuối là sân tennis.Ông Bảy Đô trán cao râu quai
nón,người nam,giỏi máy móc cũng chính là bố của Lâm Sơn Tòng tức chồng
đầu tiên của Vũ Thái Thị Hiền về sau này,cũng chính là bố của Lâm Sơn
Vân (tức Bao) thuộc gia đình Thủy Lâm 72-75 .Ông cũng là người thực
hiện hệ thống điện tư nhân hoàn chỉnh ở Blao.
 Rạp hát câu khách từ 3,4 giờ chiều với các dĩa thu thanh sáu câu
vọng cổ lôi cuốn dân quanh vùng.Cải lương là món giải trí số 1 toàn
Miền Nam lúc ấy-chưa có truyền hình,chỉ có ra-đi-ô đài Saigon thi
thoảng trực tiếp truyền thanh tuồng cải lương vào tối thứ sáu hàng
tuần.
 Bà con đi xem đông lắm,thường là công nhân các đồn điền xa về
coi.Trẻ con,trong đó có tôi,sau khi long nhong khu hội chợ Tết đều dồn
về rạp hát coi áp-phích,nhìn mặt đào,kép,hề của đoàn hát và kiếm cách
coi…cọp.Tôi có cách chui riêng như vô tiệm bánh chị Tư Quảng-má Hải
dẹo-rồi lòn ra sau là vào ngay chỗ đặt bộ trống tân nhạc, cây
Hạ-uy-cầm chuyên làm âm thanh lạ và cây guita điện lửng tửng lừng tưng
thả từng nốt phụ trợ cho vở diễn.
 Khi cửa sau tiệm bánh chị Tư bị bít lại,tôi lân la trước chỗ soát
vé,hễ thấy ai quen là sà tới,thường là thành công vì lúc ấy ai cũng
thương anh em tôi cả,cầm tay dắt vào ngon ơ,nhất là gặp chị Hai Luyến
có chiếc Jeep mua trà tươi hay anh Bảy Nghiên chạy tracteur cho sở
Canh Nông tức trường Nông Lâm Mục sau này,chú Sáu Nhị,chú Năm Su Su….
 Xui xẻo không gặp người quen thì cứ liều thân chờ đến lúc…thả
giàn,tức còn 5,10 phút nữa là vãn tuồng,không canh cửa nữa là ùa vào
coi …đoạn kết,thế mới yên tâm về nhà lúc gần nữa đêm.
 Từ 28, cái không khí tết đã đi vào từng thôn xóm,người ta í ới gọi
nhau,nhà này hỏi vọng qua nhà kia hỏi mượn nhau các vật dụng hay cách
làm rim,làm bánh.Hầu như nhà nào cũng ra công làm bánh mứt,mùi đường
tới thơm ngát,mùi gừng thoảng trong gió trộn với mùi khói pháo thành
một mùi Tết đặc trưng,Tết thời đó sao vui vẻ và chan hòa quá đỗi-nghĩ
lại giờ vẫn thèm.
 Hai anh thồ lan ra lộ,má vai gùi ổi,tay thúng đi sau,tôi phải ở nhà
coi em và trông chừng mấy nia mứt gừng mứt bí mới rim xong hồi
sáng-không sợ mưa,chỉ sợ gà,chó phá-dù bị răn đe kỹ,nhưng tôi vẫn cứ
nhón vài miếng mứt bí trắng phau,ngọt lịm,bẻ chia cho mấy em,còn mình
chỉ ngậm cho lâu,ngon ơi !. Các món ăn vụng trộm thường ngon,đúng
thật!. Rồi phải phi tang bằng cách xoa lại nguyên nia mứt,tránh bị
phát giác.
 Lát sau,anh Tho chở anh Thư bằng chiếc xe đạp đòn dông lên mấy đồi
trà xóm trên rọc lá chuối,có lùm chuối nanh heo cuối vườn ông Hai Ốm
quanh năm xanh tốt nhờ con lạch nhỏ chảy rỉ rả trong veo.Phải rọc sớm
kẻo người khác lấy mất,hơn nữa lá chuối nanh heo dễ gói và xanh bánh
hơn lá chuối nhà;cứ thủ trước cho yên tâm vì trưa 30 mới gói .
 Ngày 29 tổng vệ sinh,ba,má và hai anh lo,tôi tiếp tục nhiệm vụ giữ
em và dẫn nhau qua nhà con Huệ lấy bạt,cót,nia gác trên ngọn trà làm
nhà.Trò chơi làm nhà cũng vui,cứ kéo bên này lại ló bên kia,chui ra
chui vô hoài.Khi ổn nhà rồi,cả bọn rủ nhau chơi trò cơm nước,bộ nồi
chảo bé xíu được bày ra rửa sạch rồi nấu đất bột làm…cơm;bánh cũng là
..đất nhẽo.
 Cũng ngộ ! nhà mát mẻ không chơi,ra ngoài nắng chang chang che chắn
sơ sài chui vô chúm nhum chơi trò nấu nướng rồi bày ra,mời nhau cầm
đũa,toàn động tác giả,vậy mà cứ nhiệt tình,hồn nhiên chơi hoài như
vậy,mới biết cái vui đâu cần tìm,nó ở ngay cạnh mình đấy thôi,đơn giản
vô cùng,chỉ cần tấm lòng trong sáng.Tuổi thơ của chúng tôi từng đơn
giản như thế,từng đẹp như thế,không thể nào quên.
 30 tết ! trang hoàng nhà cửa trong khi ba chẻ lạt,má chuẩn bị nếp
đậu thịt xong là giao cho ba rồi lo ‘kềm’mấy em,tôi lau lá xếp lại,anh
Tho lựa lá,anh Thư cắt lá.Ba ngồi giữa chiếu trên bộ ván sắp lá,đổ
từng chén nếp,rạch rãnh đặt thịt và nhưn đậu xanh,bắt mí lá giữa,gấp
lá đầu, cột ba nuột lạt hình thành cây bánh tét rồi chuyển cho chúng
tôi cột tiếp mấy nuột nữa,lăn tròn bánh là xong.Nhà tôi mỗi năm gói
chừng mươi,mười lăm cây bánh mặn,chục bánh chay là ổn.Anh em chúng tôi
cố xoay sở ít nếp,đậu xanh để tự gói bánh không giống ai cho mình rồi
đánh dấu cho vào thùng nấu chung.
 Bếp dã chiến đặt ngay hông hồ nước cạnh gốc mít,các khúc củi mắc
mứu,gốc đù đày cả năm dồn lại xài trong dịp nấu bánh tét.Nhìn qua hàng
xóm,thấy nhà nào cũng lui cui,loay hoay châm nước,chụm bếp như
mình.Lửa cháy ổn rồi,dọn sơ sịa và lo mâm cơm chiều cúng rước.
 Chiều ba mươi Tết,mọi sinh hoạt đều tăng đến tối đa,mọi người hỏi
nhau mặt hàng ,giá cả rối rít.Thiếu món gì là phải chạy đi mua
ngay,hàng Tết đã đành,còn phải mua luôn hàng trữ ra Giêng nữa vì chợ
30 tết nghỉ sớm và chỉ họp lại Mồng 4 hay Mồng 6.
 Hàng quán sau 8 giờ tối cũng đóng cửa luôn để lo đón Tết.Từ Mồng Một
đến Mồng Bốn thì chợ không họp,phố xá đóng im ỉm,chỉ có các gian hàng
bán pháo,nhang đèn và bánh mứt ,dưa ế.Tết ra Tết là như vậy,không như
bây giờ.Không mua dự trữ chỉ có thể ăn tết với cơm và mắm,muối!.
 Từ 5 giờ chiều-giờ rước ông bà-pháo rền vang khắp ngã,lẫn nhiều
tiếng ùng oàng của pháo đại trong hàng tràng pháo kéo dài phía hai dãy
phố chợ xuống hẽm Thiên Nhiên.
  Chúng tôi tạm quên cái thôi thúc ì xèo hấp dẫn chiều ba mươi để
tẩy…ghét,tắm rửa kỳ cọ cẩn thận.Đây là lúc căn dặn những điều nên hay
không nên làm sau giờ Giao thừa, những quy định sinh hoạt trong ba
ngày Tết như không được chàng ràng khi có khách đến chúc tết,được gọi
vào lĩnh lì xì phải chúc tết và cám ơn,không được mở bao lì xì tại chỗ
và quan trọng nhất là đưa hết tiền lì xì cho…má !Thủ tục là vậy,thực
tế anh em chúng tôi đã tự giác chấp hành từ lâu,vã lại để tiền trong
túi chỉ mất công giữ vì túi dễ rách,cứ phải bụm hoài.Đã biết cực nhọc
khi kiếm tiền nên chúng tôi hầu như không hề mua gì cả,bánh kẹo,nước
mía còn chưa rờ tới thì việc mua pháo là chẳng bao giờ !
 Ngồi quanh nồi bánh sôi sùng sục chờ bánh chín,thỉnh thoảng chúng
tôi lại chạy ùa ra vườn trà trước nhà nhảy lâng câng nhìn nhóng hướng
nhà thờ và đồn Quận bắn những trái hỏa pháo màu đỏ rực hay xanh biếc
lao tít rồi mất hút vào màn đêm,chăm chú theo dõi những chiếc dù pháo
sáng xi-nhô đập tay lủng lẳng,lừ đừ hạ thấp dần cho đến khi khuất hẳn
mới trở lại ngồi co ro quanh nồi bánh tét nghe “thần công”bên xóm Sân
Banh dội ùng uỳnh hòa trong hàng tràng pháo tép nổ xa xa.
 Tới giờ vớt bánh,trong khi ba,má lấy hết bánh ra,xếp đều trên nia
chờ ráo thì anh em chúng tôi mạnh ai nấy khoèo cho được cái bánh của
mình làm còn nằm đâu đó dưới đáy thùng.Do làm lấy được và cột lỏng tay
nên thường bị vô nước,bánh nhão nhoét,nhưng cứ ngon,rất ngon nữa
kìa!giờ này cơm nguội muối hột còn ngon huống hồ bánh nếp nóng hôi hổi
!
 Không hiểu do phạm lời nguyền hay bị quở phạt sao đó mà nhà tôi-dẫu
đã mấy mươi năm rút kinh nghiệm,thay đổi nhiều cách,thậm chí thay tay
gói bánh nhiều năm-vẫn cứ cho ra lò những đòn bánh…sống !.Thời ba
còn,hay gọi là bánh “lại nếp” hy vọng năm sau khá hơn.Nhưng rồi vẫn
thế,bánh cứ sống như trêu ngươi mãi đến giờ.Từ sáng mồng Hai,đừng hòng
cắt bánh bằng lạt mỏng,cứ phải xài dao cắt khoanh gặm vòng quanh hay
cho vào chảo chiên xém lên,bánh tét chiên ngon nhưng ăn vào buồn ngủ
lắm !.
 Ba nhìn đồng hồ rồi thay bộ đồ lam,đốt mấy tiếng pháo và cầm cặp dùi
trống chuẩn bị xuống chùa,ngoài đường loáng thoáng có vài người đi về
hướng chùa hoặc nhà thờ,vừa đi vừa nói chuyện.
 Trước đến giờ vẫn vậy,đúng giao thừa là cử hành lễ Mừng xuân Di
Lặc,bắt đầu là 9 hồi chuông trống Bát nhã-do ba đánh trống và chú Sáu
Nhị dộng chuông-khác hẳn với chuông đơn điệu,trống cần người mạnh khỏe
mới đủ sức đánh dồn dập gần nữa tiếng đồng hồ,lúc khoan thì đánh tối
đa,lúc nhặt phải ghìm dùi lên mặt trống nên tạo ra thứ âm thanh chát
chúa nơi tang trống lại rền rền bí hiểm nơi da trống.
 Bài trống phải thuộc nhập tâm và chỉ tập “nguội” trên đùi,mặt
bàn,bao gạo…Ba nhập tâm đến độ có lần thực tập ngay lưng của má lúc
nữa đêm;mãi sau này mỗi lần má kể lại,ba chỉ cười…trừ,hơi xấu hổ.
 Thời gian như ngừng lại,không gian bỗng im ắng khác thường,nhưng chỉ
vài phút sau lại vỡ òa tiếng pháo mừng năm mới-chưa tới giờ!-Ấy là các
hiệu buôn lớn,các nhà giàu muốn nổ “tràng pháo hai năm” nên bắt đầu
trước giao thừa một vài phút.Đại đa số dân thị trấn vẫn đang chờ hiệu
lệnh từ nhà thờ hoặc chùa.
 Trước sân mọi nhà đều đã bày mâm cúng giao thừa,má mặc áo dài cầm bó
nhang chuẩn bị,trong nhà sáng sủa,mấy thùng nước đầy tràn,bếp dọn hết
tro gọn ghẽ,mâm cúng ông Táo,mâm bờ giếng,bàn thờ trong nhà đèn nhang
hoa đầy đủ chờ thời khắc mới.
 Tiếng chuông nhà thờ réo rắt vang vang đồng thời với tiếng chuông
trống Bát nhã vang vọng trầm hùng mở đầu cho màn đốt pháo đón giao
thừa làm cả thị trấn Blao rung chuyển, sáng cả một vùng trời.Các loại
pháo thi nhau nổ,pháo bông,pháo xẹt loang loáng,pháo sáng bừng trên
cao cho thấy cả thị trấn chìm trong khói pháo mịt mờ.Thần công khí đá
vẫn ùng uỳnh cùng pháo cối đinh tai.Từ đồn quận,khẩu đại liên chỉa lên
trời nẹt từng loạt 3 phát điểm thêm đường đạn lửa đỏ rực xé màn
đêm,rồi hỏa pháo màu rực rỡ vút lên,đẹp lắm !.
 Chúng tôi như lịm đi trong giờ phút giao mùa,cả không gian như sôi
bùng tiếng pháo,trước mỗi nhà là hình ảnh quỳ lạy khấn nguyện đầu
năm.Trời đất giao hòa.lòng người mở hội.Đẹp biết bao những cái Tết
thanh bình trên đất Mẹ,tôi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ,sướng thầm vì
ngày mai diện quần áo mới đi chơi                                    

                                            Tây Ninh 23 tháng Chạp Tân Mão
                                                                BÙI TRUNG

.

 

Lượt xem: 3715

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com